Khách du lịch đến Đà Nẵng không
chỉ vì nơi đây có nhiều cảnh đẹp, những món ăn ngon, mà còn vì thành phố
này nổi tiếng là văn minh bậc nhất Việt Nam. Điều này thể hiện một phần
ở những cái "hoàn toàn miễn phí" mà không nơi đâu có ngoài Đà Nẵng.


1. Bệnh viện ung thư Đà Nẵng, chữa bệnh hoàn toàn miễn phí
Được khánh thành ngày 19-1-2013, Với quy
mô 500 giường, 27 phòng khoa, được trang bị hệ thống máy móc hiện đại
và đồng bộ, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ung thư như máy CT-scan
đa lát cắt, máy MRI 3T, máy tăng sáng truyền hình, máy siêu âm màu 4
chiều, máy nội soi can thiệp, máy xét nghiệm sinh hóa tự động, hệ thống
trang thiết bị xạ trị ung thư kỹ thuật cao như máy xạ trị gia tốc, máy
xạ phẫu, xạ trị áp sát liều cao, CT mô phỏng…
Bệnh viện có khu nhà dành cho thân nhân
của bệnh nhân lưu trú miễn phí với quy mô 150 phòng, mỗi phòng được
trang bị 4 giường và nhà vệ sinh đồng thời cũng bố trí bếp ăn từ thiện
phục vụ cháo 3 buổi/ngày cho bệnh nhân nghèo.
Điều mà dân vui mừng chính là không còn
lo lắng về tiền bạc khi lâm bệnh, vì đến với Bệnh viện ung thư Đà Nẵng,
bệnh nhân sẽ được điều trị miễn phí. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá
Thanh bày tỏ sự mong muốn và quyết tâm: “Chúng ta sẽ quyết tâm xây dựng
thành công một bệnh viện ung thư, một trung tâm chẩn đoán và tầm soát
ung thư hiện đại và một viện nghiên cứu về ung thư trên dải đất này. Đây
là một bệnh viện ung thư hoạt động mang tính từ thiện, nhân đạo, hoạt
động theo cơ chế phi lợi nhuận đầu tiên tại Việt Nam. Những bệnh nhân
ung thư nghèo sẽ được miễn phí hoàn toàn”.
Trong khi nhiều bệnh viện lớn ở TPHCM,
Hà Nội... bệnh nhân trẻ em không phải nằm viện mà “ngồi viện” bởi vì quá
tải, thì Đà Nẵng lại xây dựng một bệnh viện hiện đại và miễn phí cho
người nghèo. Điều mới mẻ khác nữa là việc tổ chức cho người nhà bệnh
nhân ăn ở, không để nằm phải la liệt ngoài hành lang hay chui dưới gầm
giường người bệnh.
Cùng với đó, TP đã cấp ngân sách cho
Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng mua 10 máy chạy thận, và người nghèo sẽ được
chữa trị miễn phí 100%. Có ai đếm được niềm vui của người bệnh được cứu
tính mạng từ một chính sách xã hội nhân bản như thế.
Với những điều này cho thấy tầm nhìn của
lãnh đạo Đà Nẵng, mà đi đầu là ông Nguyễn Bá Thanh, 1 Đà Nẵng hiện đại,
văn minh, đi đầu trong công tác hỗ trợ dân nghèo, điều đáng để địa
phương khác học tập.
2. Nhà vệ sinh công cộng...5 sao miễn phí
Là nhà vệ sinh công cộng ở bến xe trung
tâm Đà Nẵng, nhưng nhà vệ sinh đây được lát gạch men, sạch bóng, thoáng
mát, có gương, lược, tuyệt đối không có mùi.
Ở đây mở cừ từ 4h30 sáng, đóng cửa lúc
21h và luôn luôn có người trực. Không phải họ trực để thu tiền của khách
như nhà vệ sinh công cộng ở nhiều địa phương khác mà để phục vụ khách.
Đa số người vào đây là khách du lịch Đà
Nẵng, họ đều phải tuân thủ nội quy là để giầy dép ở ngoài, đi dép của
nhà vệ sinh nhằm đảm bảo không kéo lê đất cát vào bên trong. Nơi đây
cũng cấm hút thuốc để không làm ảnh hưởng đến sức khỏe người khác.
Mỗi người bước vào đều được phát giấy vệ
sinh tận tay. Khi đi vệ sinh xong, du khách sẽ tự dọn dẹp, sau đó có
người tới kiểm tra, lau chùi, dọn dẹp . Bởi vậy, dù trời nắng hay trời
mưa, chưa bao giờ người ta thấy cảnh ai đó vào nhà đây mà mặt nhăn nhó,
bịt mũi mỗi khi bước vào.
Điều đặc biệt hơn nữa, nhà vệ sinh này
miễn phí cho tất cả mọi người, đây không phải là việc làm quá to lớn đối
với một thành phố, thế nhưng nó thật sự góp phần đem lại văn minh cho
bộ mặt của một đô thị, nhất là khi Đà Nẵng là thành phố du lịch, thu hút
hàng triệu lượt du khách mỗi năm
Bến xe, nhà ga là nơi hằng ngày tập
trung hàng nghìn khách du lịch Đà Nẵng đi lại, chỉ cần một việc làm nhỏ
này thôi đã khiến cho mọi người nhìn Đà Nẵng với một con mắt rất khác.
3. "Giữ xe miễn phí, ai đưa tiền tự chịu trách nhiệm"
Đó là bảng thông báo được treo ở bệnh
viện Mắt Đà Nẵng, không chỉ ở BV Mắt mà hầu hết các bệnh viện công ở Đà
Nẵng đều giữ xe miễn phí.
"Mỗi ngày tui vào viện thăm nuôi người
nhà 4-5 lần, bình thường gửi xe tốn 2.000đ (xe máy), nếu tính ra 1 ngày
10.000đ, 1 tháng 300.000đ, ngó rứa mà tốn kém lắm. Chừ được miễn phí,
người nhà bệnh nhân như tụi tui vui lắm, đỡ phải tốn thêm chi phí”. Chị
Nhung, người nhà bệnh nhân ở bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng phấn khởi.
Hằng ngày, ở tất cả các bệnh viện công
Đà Nẵng có hàng ngàn lượt xe ra vào, đa số là xe máy, tính ra 1 ngày
ngân sách tiết kiệm được khoảng vài triệu đồng, với chủ trương giữ xe
miễn phí, được sự ủng hộ tuyệt của người dân, đặc biệt là người nhà có
bệnh nhân nằm viện trong thời gian dài, vừa tiết kiệm chi phí đi lại,
vừa có thêm chi phí lo cho thuốc men.
4. Nước uống miễn phí
Những bình nước uống miễn phí bắt đầu
xuất hiện tại các đường phố của Đà Nẵng và trở thành hình ảnh đẹp trên
phố. Một bình nước lọc, nước đá hay thậm chí là một bình trà được ngoài
vỉa hè cùng vài chiếc cốc. Có thể chỉ xuất phát từ mong muốn giản dị của
người chủ nhà dành món quà nhỏ cho những người khách du lịch Đà Nẵng
đang trong cơn khát và những người nghèo, nhưng hành động này lại rất ý
nghĩa với những người được nhận.
Bất kỳ ai đi trên đường cũng có thể dừng
lại trước một bình nước miễn phí và uống một cốc nước mát lạnh. Những
thùng nước miễn phí được những chủ nhà hảo tâm đặt ngay trước cửa nhà
hay trước cổng trường học, cổng chợ, tại một bến xe buýt nào đó hay nằm
ngay giữa một ngã ba, ngã tư đường. Những bình nước làm mát lòng bao
người qua lại. Một cốc nước mát lạnh giải nhiệt giữa thời tiết nóng bức
của miền Trung và mang theo những lời cảm ơn chân thành.
5. Người đàn ông 10 năm vá xe miễn phí cho học sinh, sinh viên và dân nghèo
"Mình chả giàu hơn vì mấy đồng tiền từ
người tàn tật hay những em học sinh được bố mẹ cho vài đồng uống nước.
Mình giúp đỡ người khác cũng là một cách tích đức và sống vui với đời",
anh Hùng anh Trần Viết Hùng ở ngã tư đường Hà Huy Tập – Điện Biên Phủ
(quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tâm sự.
Điểm bơm vá xe của anh Hùng đã quen
thuộc với hàng nghìn học sinh và người khuyết tật. 47 tuổi, 10 năm làm
nghề này, với nước da đen sạm vì nắng gió, lúc nào cũng tất bật với cà
lê, mỏ lết mưu sinh và làm việc thiện.
Chỉ tay về tấm biển ghi số điện thoại
cùng dòng chữ "Bơm, vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật", anh
Hùng giải thích: "Ngày trước tôi vẫn thường bơm, vá xe không lấy tiền.
Nhưng nhiều cháu học sinh lỡ bị thủng xăm vất vả dắt chiếc xe xịt lốp đi
qua mà không dám ghé vì không mang tiền theo, nên tôi mới để tấm biển
này". Những người bán vé số ghé quán cũng được chủ nhân lắc đầu trả lại
tiền công, bởi với anh Hùng đã phải bán vé số thì giàu có gì.
Biết anh làm việc thiện, nhiều người
xung quanh còn phụ anh bơm xe cho học sinh, người tàn tật khi quán đông
khách. Bác lái xe ôm cạnh anh Hùng cho hay: "Nhà Hùng cũng cực, nhưng
được cái tốt bụng nên dù sống bám ở vỉa hè cũng không mất lòng ai. Với
người nghèo như chúng tôi, chia sẻ công việc với nhau cũng là niềm vui".
Nghe người bạn xe ôm nói, anh Hùng chỉ cười gạt đi: "Tiền bạc mình chẳng có, nhưng sống tình cảm thì đời luôn vui tươi"....
6. Cơm ...2.000đ/1 hộp
Cơm 2.000đ - Cơm giá rẻ dành cho người
lao động và sinh viên nghèo” dành cho tất cả những người lao động khó
khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như : các em nhỏ bán báo, đánh giầy,
các bà các cô bán vé số, các bác xe ôm, những người công nhân lao động
nghèo, những cụ bà, cụ ông thu mua ve chai,những học sinh,sinh viên có
hoàn cảnh khó khăn... Chương trình được tổ chức đều đặn vào ngày 15,30
hằng tháng với trên 3000 suất cơm của câu lạc bộ Sharing The Life Đà
Nẵng
Xuất phát từ tấm lòng của của những nhà
hảo tâm và sự nhiệt tình của 1 nhóm các bạn sinh viên tại Đà Nẵng.
Chương trình hoạt động từ cuối năm 2010, đầu năm 201, địa điểm bán :
Café Karthy 15-17 Lê Duẩn - Đà Nẵng và 36 Lý Thường Kiệt. Mỗi người mua
được tối đa 2 hộp, trong hộp đầy đủ thức ăn thơm ngon: cá bống, cá cơm,
trứng chiên, những phần đồ xào hấp dẫn cùng những suất canh nóng hổi...
Cô Phương (Hòa Minh, Đà Nẵng) rong ruổi
trong nghề ve chai đã hơn 10 năm nay. Đôi mắt trĩu nặng sương gió, cô
chia sẻ: “Một CLB chỉ toàn học sinh, sinh viên nhưng những hoạt động từ
thiện của mấy đứa thực sự rất có ý nghĩa và quy mô rất lớn, được tổ chức
đều đặn. Tự nhiên thấy vui. Kệ. Đỡ được đồng nào hay đồng ấy. Tiền cả
ngày rao khản cả cổ, chỉ đủ lo miếng cơm cho mấy đứa nhỏ ở nhà, còn
mình, bữa đói, bữa no, vất vưởng như thế. Sống sao cho qua ngày. Thực
bụng tôi cám ơn mấy anh mấy chị nhiều lắm”.
Không chỉ ở 15-17 Lê Duẩn mà ở các bệnh
viện trên địa bàn Đà Nẵng, hầu như ngày nào cũng có các tổ chức từ thiện
đến tặng cơm, cháo, sữa cho người nhà và bệnh nhân, 1 ngày 2 buổi, sáng
và tối. Những hành động thiết thực này góp phần làm cho thành phố Đà
Nẵng ngày càng văn minh, là điểm đến thú vị cho du khách du lịch Đà Nẵng
trong và ngoài nước.
7. Wifi miễn phí
Tại Việt Nam, Đà Nẵng là thành phố thứ
tư phủ sóng WiFi miễn phí, sau Hội An, Hạ Long và cố đô Huế, góp phần
nâng cao dân trí và hoạt động giáo dục - đào tạo qua mạng; quảng bá du
lịch; giám sát và cảnh báo ô nhiễm môi trường; quản lý giao thông đô
thị, thiên tai...
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin
và truyền thông TP Đà Nẵng, cho biết hệ thống WiFi đã hoạt động vào
tháng 9/2013, với gần 400 bộ phát sóng (mỗi bộ phát trong phạm vi khoảng
300 m), đảm bảo cho việc truy cập cùng lúc của 10.000 lượt.
Tổng vốn đầu tư gần 2 triệu USD (trên 40
tỷ đồng). Các bộ phát sóng WiFi được lắp đặt trên các cột đèn chiếu
sáng công cộng, điểm du lịch, trường đại học, sở, ban, ngành… với băng
tần 2,4 và 5,8 GHz, kết nối qua mạng đô thị đang trong quá trình vận
hành.
RED